Hoạt động khoa học công nghệ của Bộ môn công nghệ sinh học

Các giảng viên trong bộ môn đã có những thành tích nghiên cứu khoa học đáng được ghi nhận như: đã chủ trì và tham gia hơn 50 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp trong đó có 20 đề tài khoa học thuôc Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted)...


Theo chiến lược phát triển của Trường giai đoạn 2016-2021 và tầm nhìn đến năm 2030, trường đại học Thủy Lợi sẽ phát triển thành một cơ sở giáo dục đại học đa ngành, định hướng nghiên cứu, có môi trường học thuật sáng tạo. Để đáp ứng nhu cầu của xã hội, bắt kịp với xu thế phát triển, phù hợp với mục tiêu, sứ mệnh và chiến lược phát triển của trường, bộ môn Công nghệ sinh học (CNSH) đã được thành lập theo Quyết định số 2214/QĐ-ĐHTL ngày 30/10/2018. Các giảng viên của bộ môn đều có trình độ từ Tiến sĩ trở lên được đào tạo từ các nước có trình độ khoa học và công nghệ phát triển trên thế giới, đặc biệt có 01 Giáo sư và 02 Phó Giáo sư, Giảng viên cao cấp.

        Các giảng viên trong Bộ môn đã có những thành tích nghiên cứu khoa học đáng được ghi nhận. Các thành viên trong Bộ môn đã chủ trì và tham gia tổng cộng hơn 50 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp trong đó có 20 đề tài khoa học thuôc Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted), Bộ Khoa học và Công nghệ; đã xuất bản tổng cộng hơn 300 bài báo bao gồm hơn 150 bài báo quốc tế và hơn 150 bài báo trên các tạp chí uy tín trong nước; 03 sách chuyên khảo về công nghệ sinh học (CNSH) tảo. Đặc biệt, thành viên bộ môn đã sở hữu 4 văn bằng độc quyền giải pháp hữu ích liên quan đến ứng dựng của CNSH trong các lĩnh vực của đời sống cụ thể: Quy trình sản xuất biodiesel từ chủng vi tảo Schizochytrium mangrovei PQ6; Phương pháp nuôi trồng vi tảo lục Haematococcus pluvialis Flotow giàu astaxanthin; Quy trình chiết và tinh chế squalene từ bã sinh khối vi tảo biển dị dưỡng Schizochytrium mangrovei; Quy trình sản xuất phycocyanin từ sinh khối tươi vi khuẩn lam Spirulina platensis.

Tiến sĩ Yoshikazu Kawata Y – Viện Nghiên cứu Y Sinh – Viện Nghiên cứu Quốc Gia về Khoa học Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến - Nhật Bản làm việc và trao đổi học thuật với Bộ môn CNSH

Các hướng nghiên cứu chính của Bộ môn đều thuộc các lĩnh vực đang rất được ưu tiên, quan tâm của các nhà khoa học và toàn xã hội. Các hướng nghiên cứu điển hình:

Ø Nghiên cứu đặc điểm sinh học của tảo, nghiên cứu và sản xuất các chế phẩm sinh học từ tảo để ứng dụng trong các lĩnh vực thủy, hải sản, y-dược, xử lý môi trường, nhiên liệu sinh học (diesel sinh học)…;

Ø Nghiên cứu về nguồn gen và di truyền trong thực vật, ứng dụng trong chọn giống cây trồng và ngăn ngừa dịch bệnh;

Ø Nghiên cứu về công nghệ sinh học các chất có hoạt tính sinh học từ thực vật và sinh vật biển; nghiên cứu các sản phẩm protein thủy phân và protein cô đặc từ các loại hạt và từ sinh vật biển;

Ø Nghiên cứu về ô nhiễm môi trường bao gồm ô nhiễm vi nhựa, kim loại nặng trong đất, nước, trầm tích;

Ø Nghiên cứu về hệ sinh thái rừng ngập mặn trong thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Hiện tại các thành viên của Bộ môn đang chủ trì 02 đề tài khoa học thuộc quỹ Nafosted. Đề tài “Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học một số loài thuộc chi Mại liễu (Miliusa) của Việt Nam” do TS Cao Thi Huệ chủ trì với mục tiêu là phân lập và xác định cấu trúc các hợp chất của 2-3 loài thuộc chi Mại liễu (Miliusa) thuộc họ Na (Annonaceae) thu hái tại Việt Nam. Đánh giá hoạt tính sinh học của các hợp chất phân lập được, bao gồm: hoạt tính chống ung thư, hoạt tính kháng viêm, hoạt tính ức chế AChE…Đề tài “Ô nhiễm vi nhựa ở vùng ven biển miền Bắc Việt Nam” do PGS.TS. GVCC. Nguyễn Thị Kim Cúc chủ trì, mục tiêu của đề tài nhằm đánh giá sự hiện diện, phân bố và đặc tính của vi nhựa trong nước, trầm tích để cung cấp những cơ sở khoa học cho việc hiểu biết đầy đủ về tác hại của vi nhựa trong hệ sinh thái ven biển và góp phần quản lý ô nhiễm nhựa trong khu vực.

Các Giảng viên bộ môn đang triển khai các nghiên cứu khoa học

tại phòng thí nghiệm CNSH, Khoa Hóa và Môi trường, Đại học Thủy Lợi

Được sự quan tâm của nhà trường, ngay từ khi Bộ môn thành lập, hệ thống phòng thí nghiệm CNSH đã được đầu tư hiện đại, đảm bảo phục vụ tốt cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của sinh viên và giảng viên. Nguồn cơ sở vật chất tốt và hiện đại này là công cụ đầu tay quan trọng sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa nghiên cứu khoa học của bộ môn trong thời gian tới.

Với bề dầy thành tích nghiên cứu khoa học của các giảng viên bộ môn CNSH, với lòng say mê, nhiệt huyết cùng với sự nỗ lực của toàn thể bộ môn dưới sự lãnh đạo sâu sắc, kịp thời của Ban Lãnh đạo Khoa Hóa và Môi trường và Ban Giám hiệu Trường, trong tương lai ngành CNSH sẽ là thế mạnh của trường Đại học Thủy lợi, góp phần khẳng định và đưa thương hiệu của Trường đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

(Nguồn: Bộ môn Công nghệ sinh học)