Có nhiều phương án tuyển sinh năm 2023, các trường kiến nghị Bộ sớm công bố thông tin

Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến xét tuyển đại học một đợt với mọi phương thức, nhằm rút ngắn thời gian tuyển sinh. Tuy nhiên, các thí sinh 2k5 vẫn có cơ hội trúng tuyển sớm vào các chương trình đại học.
 
Bộ GD&ĐT cho biết đang xem xét không thực hiện xét tuyển đại học sớm trong năm 2023. Nghĩa là tất cả phương thức xét tuyển đại học, bao gồm cả xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ được thực hiện cùng một đợt, nhằm rút ngắn thời gian tuyển sinh. Việc rút gọn thành một đợt tuyển sinh sẽ đem đến nhiều thách thức và khó khăn cho 2k5. Tỷ lệ cạnh tranh cao, thí sinh cần tìm các phương án chắc chắn và an toàn hơn nhằm tự tin bước vào kỳ thi THPT.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thông tin, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học là hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023, đồng thời, xác định phương hướng, định hướng tuyển sinh từ năm 2025.
 
 
Trong đó, đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây nhiễu hệ thống và gây khó khăn, nhầm lẫn cho thí sinh.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho hay, năm 2023 cơ quan này không ban hành Quy chế tuyển sinh mới. Công tác tuyển sinh năm 2023 sẽ thực hiện theo quy chế ban hành năm 2022. Cụ thể, một số quy định mới đã nêu trong quy chế tuyển sinh 2022 sẽ được thực hiện từ năm 2023 như chính sách cộng điểm ưu tiên.

Trong đó, về ưu tiên theo khu vực, mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 (KV1) là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5 điểm, khu vực 2 (KV2) là 0,25 điểm; khu vực 3 (KV3) không được tính điểm ưu tiên.

Tuy nhiên, từ năm 2023, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT và một năm kế tiếp.

 
Bên cạnh đó, cách tính điểm ưu tiên sẽ thay đổi theo hướng mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0), cụ thể theo công thức: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.

Lý giải về những điều chỉnh trong quy định cộng điểm ưu tiên, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói rằng, qua thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT của 3 năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên (chiếm 25% tổng số thí sinh tốt nghiệp) luôn có phổ điểm tổng 3 môn cao hơn hẳn so với các nhóm thí sinh còn lại (nhóm được cộng điểm ưu tiên ở các mức độ khác nhau).
 
Sau khi cộng điểm ưu tiên theo quy định hiện tại, tỉ lệ thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 22,5 điểm của nhóm đã cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên; điều này chứng tỏ việc cộng điểm ưu tiên đã tạo sự công bằng, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho những nhóm thí sinh có điều kiện khó khăn hơn.

Tuy nhiên, phân tích dữ liệu cho thấy có sự bất hợp lý là tỷ lệ các thí sinh đạt điểm cao từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được ưu tiên lại tăng vọt, cao hơn hẳn (ở nhiều mức điểm thậm chí tỉ lệ này cao gấp đôi) so với nhóm thí sinh không thuộc diện ưu tiên.

Điều này dẫn tới sự mất công bằng khi các thí sinh tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành, các trường có mức độ cạnh tranh cao, thậm chí dẫn tới hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm.

Trong năm 2022, Đại học Thủy lợi đã tuyển sinh 37 ngành và nhóm ngành, đáp ứng hầu hết các nhu cầu ngành nghề trọng yếu của xã hội với một mùa tuyển sinh hoàn toàn thắng lợi.
MT tổng hợp - Khoa Hóa và Môi trường