Giới thiệu ngành Công nghệ Sinh học năm 2018 - Trường Đại học Thủy Lợi

Trọng tâm đào tạo của ngành là ứng dụng công nghệ sinh học kết hợp với các định hướng đào tạo là thế mạnh và truyền thống của Trường Đại học Thủy Lợi như kỹ thuật tài nguyên nước trong cải tạo chất lượng đất, nước và môi trường; kỹ thuật và quản lý tưới hiện đại hướng tới một nền nông nghiệp công nghệ cao mang tính bền vững; ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến và sử dụng các chế phẩm sinh học kết hợp với các phương pháp hiện đại để xử lý môi trường.
Chương trình đào tạo ngành Công nghệ Sinh học tổng cộng có 145 tín chỉ chia thành 9 học kỳ.
 

I. Mục tiêu đào tạo của ngành Công nghệ Sinh học

Ngành Công nghệ Sinh học bắt đầu tuyển sinh và đào tạo tại Trường Đại học Thủy Lợi từ năm 2018 với mục tiêu đào tạo kỹ sư công nghệ sinh học theo chương trình đạt chuẩn khu vực, hướng đến phát triển nền công nghiệp và nông nghiệp bền vững.

Trọng tâm đào tạo của ngành là ứng dụng công nghệ sinh học kết hợp với các định hướng đào tạo là thế mạnh và truyền thống của Trường Đại học Thủy Lợi như kỹ thuật tài nguyên nước trong cải tạo chất lượng đất, nước và môi trường; kỹ thuật và quản lý tưới hiện đại hướng tới một nền nông nghiệp công nghệ cao mang tính bền vững; ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến và sử dụng các chế phẩm sinh học kết hợp với các phương pháp hiện đại để xử lý môi trường.
 
 
Sinh viên Trường Đại học Thủy Lợi thực hành trong phòng thí nghiệm

II. Thông tin tuyển sinh

Cơ sở đào tạo: Hà Nội. Chỉ tiêu xét tuyển: 70
Các tổ hợp xét tuyển:A00 (Toán, Vật lý, Hóa học); A02 (Toán, Vật lý, Sinh học); B00 (Toán, Hóa học, Sinh học); D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh); D08 (Toán, Sinh học, Tiếng Anh).

III. Các điểm mạnh của ngành CNSH đào tạo tại Trường Đại học Thủy Lợi

Trường Đại học Thuỷ Lợi với lịch sử gần 60 năm xây dựng và trưởng thành, là cơ sở đào tạo kỹ sư các ngành: kỹ thuật công trình thủy, kỹ thuật công trình biển, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật tài nguyên nước, kỹ thuật môi trường, kỹ thuật hóa học, công nghệ thông tin...

Sinh viên ngành Công nghệ Sinh học của Trường Đại học Thủy Lợi sẽ được học tập tại cơ sở Hà Nội. Trường có hệ thống phòng thí nghiệm với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại như: Phòng thí nghiệm Công nghệ Sinh học, Phòng thí nghiệm Hóa cơ sở, Phòng thí nghiệm Kỹ thuật Hóa học, Phòng thí nghiệm Đất, Nước và Môi trường, Phòng thí nghiệm Kỹ thuật Môi trường…

Các cán bộ giảng dạy ngành Công nghệ Sinh học đều có trình độ, được đào tạo bài bản tại các cơ sở uy tín trong và ngoài nước; có kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu thực tế về công nghệ sinh học ở các lĩnh vực khác nhau như môi trường đất, môi trường nước, chế biến thực phẩm và xử lý môi trường. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ của nhà trường có tâm huyết trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

IV. Chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo Kỹ sư Công nghệ Sinh học được thiết kế theo khung chương trình của các nước tiên tiến trên thế giới đã được vận dụng ở một số trường đại học uy tín trong nước với các hướng đào tạo chuyên sâu và mở rộng. Điều này giúp sinh viên sau khi ra trường có nhiều cơ hội việc làm ở các ngành nghề, vị trí khác nhau. Thời gian đào tạo của chương trình là 4,5 năm với 145 tín chỉ chia thành 9 kỳ học.

1. Địa điểm thực hành và thực tập


Trong suốt quá trình học, sinh viên được thực tập tại các phòng thí nghiệm thuộc trường Đại học Thủy Lợi.
Sinh viên thực hành trong phòng thí nghiệm PTN Công nghệ sinh học

Từ năm thứ 2 trở đi, sinh viên có thể được tham gia kiến tập và thực tập (làm đồ án môn học, khóa luận tốt nghiệp) tại một số phòng thí nghiệm của các Viện nghiên cứu: Viện Công nghệ Sinh học, Viện Công nghiệp Thực phẩm, Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hóa sinh biển…

Sinh viên có thể được tham gia thực tập tại một số công ty và các xưởng sản xuất liên quan đến công nghệ sinh học như: Công ty TNHH Phát Triển Công Nghệ Ứng dụng Việt Nam, Công ty Cổ phần Khoa học sản xuất Công nghệ Sinh học và Môi trường; Công ty TNHH Vật tư và Giống hoa Xuân Trường Hà Nội…

Giảng viên ngành Công nghệ Sinh học
 
Tham quan cơ sở nuôi cấy mô và Cơ sở sản xuất giống hoa cúc tại Mê Linh - Hà Nội năm 2018
 
 
Tham quan Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Tiến bộ Khoa học Công nghệ tỉnh Bắc Ninh năm 2017

2. Hoạt động nghiên cứu khoa học

Giảng viên Trường Đại học Thủy Lợi nói chung và ngành Công nghệ Sinh học nói riêng luôn tích cực đề xuất và tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp: cấp Trường Đại học Thủy Lợi, cấp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cấp Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Đề tài thuộc Quỹ Nghiên cứu Cơ bản Nafosted…

Sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của trường luôn tích cực thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, là đồng tác giả của các công trình công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế: Tạp chí Sinh học, Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Journal of Current Genomics, International Journal of Genomics, Science of the Total Environment, Forest Ecology and Management, Journal of Aquatic Food Product Technology, Turkish Journal of Aquatic Science and Fisheries, European Journal of Medicinal Chemistry, Natural Product Communications…
 
Sinh viên Đại học Thủy Lợi tham gia nghiên cứu khoa học

Ngoài ra, Ban giám hiệu Trường Đại học Thủy Lợi luôn khuyến khích các cán bộ giảng viên và sinh viên của trường tham gia hội nghị khoa học thường niên cấp trường, hội nghị khoa học toàn quốc và quốc tế.

VI. Cơ hội nghề nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp

Ngày nay, cùng với sự phát triển của đời sống và sản xuất công nghiệp là sự gia tăng các vấn đề cấp thiết về môi trường, thực phẩm, nông nghiệp. Ngành Công nghệ Sinh học đã trở thành một trong những ngành nghề mũi nhọn của thế kỷ 21. Do vậy, sinh viên ngành Công nghệ Sinh học sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận nhiều vai trò, vị trí khác nhau ở cả các cơ quan nhà nước; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của nhà nước và tư nhân.

Với mô hình đào tạo kết hợp lý thuyết và thực hành tại các doanh nghiệp, cùng với việc chú trọng đào tạo ngoại ngữ và công nghệ thông tin, sinh viên sau khi tốt nghiệp trường Đại học Thủy Lợi sẽ đáp ứng yêu cầu làm việc tại các trung tâm sản xuất và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, các nhà máy sản xuất chế phẩm sinh học để cải tạo chất lượng đất, nước và xử lý môi trường, các công ty chế biến nông sản, thực phẩm, thủy sản…

Kỹ sư Công nghệ sinh học cũng có thể làm việc tại Các Viện nghiên cứu; Các Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ sinh học, Các trung tâm kiểm định chất lượng và các phòng xét nghiệm y khoa.

VII. Cơ hội học bổng nước ngoài

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tiếp tục theo học các chương trình đào tạo Thạc sỹ và Tiến sỹ trong và ngoài nước. Những học viên này cũng có cơ hội nhận học bổng thông qua hợp tác giữa Nhà trường với nhiều trường đại học của các nước như Isael, Nhật Bản, Hoa Kỳ và các chương trình học bổng của Chính phủ.

VIII. Thông tin liên hệ

Địa chỉ: Phòng 215, nhà A5, 175 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.

Hotline: 0904 553 120 (PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Cúc)

Fanpage: https://www.facebook.com/cnsh.thuyloi