Chuyên gia Hoa Kỳ tọa đàm với sinh viên Khoa Môi trường về “Thủy ngân trong hệ sinh thái thủy vực”

Khoa Môi Trường đã tổ chức một buổi tọa đàm về “Thủy ngân trong hệ sinh thái thủy vực” do ông Gregory Martin Clark – Jason McLnerney – Thạc sĩ Tài nguyên Thiên nhiên, chuyên gia ngành chất lượng nước, Phó Giám Đốc trung tâm Khoa học Nước IDAHO – Mỹ và ông Dale Fenn, cán bộ phòng Khoa học, công nghệ môi trường và sức khỏe, Đại sứ quán Mỹ diễn ra vào lúc 14h00 ngày 26/03 tại hội trường Room 5 – K1 Trường Đại học Thủy Lợi.
 
Buổi tọa đàm về “Thủy ngân trong hệ sinh thái thủy vực”

Buổi tọa đàm có sự tham dự của các Cán bộ giảng viên và sinh viên trong khoa Môi trường. Buổi tọa đàm đem đến cơ hội rất tốt đối với các bạn sinh viên, vừa học hỏi, mở rộng thêm kiến thức chuyên ngành, vừa được tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật mới, giải pháp tiên tiến trên thế giới như ở Hoa Kỳ. Các bạn sinh viên cũng nâng cao được nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường sống của con người, và đặc biệt trau dồi thêm kỹ năng phản xạ giao tiếp tiếng anh.

 
Cán bộ Giảng viên và sinh viên khoa môi trường đến tham dự buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, ông Gregory Martin Clark đã nhấn mạnh về tác hại của thủy ngân với môi trường và sức khỏe con người, ông đã lấy ví dụ về thảm họa thủy ngân bị phát tán ở Minamata – Nhật Bản những năm 1950. Bệnh Minamata lần đầu tiên được phát hiện ở thành phố Minamata, Kumamoto, Nhật Bản vào năm 1956. Nhà máy hoá học của Tập đoàn Chisso – Nhật Bản đã cho xả thải chất methyl thuỷ ngân (methylmecury hay thuỷ ngân methyla) trong chất thải công nghiệp của mình suốt từ năm 1932 đến 1968. Năm 1968, chính phủ Nhật bản mới ra tuyên bố bệnh Minamata là do công ty Chisso làm ô nhiễm môi trường gây nên.

 
Ông Gregory Martin Clark nói về tác hại của thủy ngân

Theo nghiên cứu về thủy sinh vật trong hệ sinh thái, chất hoá học cực độc này đã tích tụ sinh học trong nhuyễn thể và cá, lượng thủy ngân nhiễm vào nguồn nước sẽ bị hấp thụ bởi các sinh vật có trong nước như rong, rêu, cá,… khi con người ăn phải cá bị nhiễm thủy ngân thì cũng sẽ bị ngộ độc thủy ngân, gây ra bệnh Minamata. “Bệnh Minamata được xác định là bệnh ngộ độc kim loại nặng, chủ yếu được đưa vào cơ thể người qua cá và nhuyễn thể”.

Chuyên gia cũng đã chỉ ra rằng Châu Á là khu vực có lượng phát thải thủy ngân cao nhất thế giới, chủ yếu là do các hoạt động khai thác vàng thủ công quy mô nhỏ và việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ông cũng nêu ra giải pháp mà nước Mỹ đã áp dụng để giảm lượng phát thải thủy ngân đi 5 lần trong 25 năm qua (1990 – 2016).
 
Tại buổi tọa đàm, nhiều câu hỏi cũng như ý kiến của sinh viên và giảng viên trao đổi rất sôi nổi cùng các chuyên gia.
 
Khoa Môi Trường sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều những buổi tọa đàm, hội thảo quốc tế về các vấn đề trong lĩnh vực môi trường, làm phong phú thêm các cơ hội cho sinh viên tiếp cận sát với thực tế, được bồi dương thêm kiến thức, cũng như thúc đẩy sinh viên tham gia mọi hoạt động về học tập.
 
 
Các chuyên gia và cán bộ giảng viên, sinh viên Khoa Môi Trường
 

(Ban truyền thông Khoa Môi trường)