Ngày Quốc tế đa dạng sinh học “Chúng ta là một phần của giải pháp - Vì thiên nhiên” (We’re part of the sollution – For Nature)

Ngày Quốc tế đa dạng sinh học “Chúng ta là một phần của giải pháp - Vì thiên nhiên” (We’re part of the sollution – For Nature). Thông điệp này tiếp tục chủ đề Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2020 nhằm kêu gọi con người sống hài hòa với thiên nhiên, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên đối với các vấn đề toàn cầu như khí hậu, an ninh lương thực và nguồn nước, sinh kế bền vững cho người dân.

 

Hệ sinh thái (HST) và đa dạng sinh học (ĐDSH) đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của con người, cung cấp cho chúng ta những lợi ích vô cùng quý giá như ổn định khí hậu, giảm rủi ro thiên tai, cung cấp oxy, cung cấp nguồn nước, nguồn thức ăn… Ngoài ra, các hệ sinh thái còn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã. Tuy nhiên, các hệ sinh thái hiện đang có tốc độ suy thoái nhanh nhất trong lịch sử loài người (IBPES, 2019) vì Trái Đất của chúng ta đang phải đối mặt với các mối đe dọa vô cùng to lớn như nạn chặt phá rừng, ô nhiễm nước (hồ, sông suối), các vùng đất ngập nước trở nên khô hạn, vùng biển và ven biển bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng, bị khai thác và sử dụng quá mức. Ví dụ về tình trạng sử dụng túi nilong, rất nhiều bài báo đã viết về vấn đề động vật trên biển ăn phải túi nilong, chim cánh cụt, hải cẩu thì bị mắc vào túi nilong đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển dẫn đến động vật đó bị tật trong giai đoạn lớn. Chúng ta cần phải có những biện pháp khắc phục giải quyết vấn đề nạn xả rác thải túi nilong bừa bãi, cần hành động để cứu Trái Đất, cứu những bãi biển tràn lan túi rải rắc khắp trên mặt biển... mang lại vẻ đẹp hồi sinh từ vùng biển bị ảnh hưởng túi nilong.

Các hệ sinh thái đất ngập nước (ĐNN) tự nhiên ở Việt Nam cũng có xu hướng suy giảm diện tích như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, bãi vùng gian triều, rừng tràm, hồ tự nhiên nhưng lại có chiều hướng gia tăng diện tích các kiểu ĐNN nhân tạo như (hồ chứa nước, ao nuôi trồng thủy sản, đất trồng lúa, ao xử lý nước thải…). Đặc biệt, chất lượng môi trường của các hệ sinh thái ĐNN ở khu vực ngoại thành, khu công nghiệp, khu nuôi trồng thủy sản và khu vực trồng lúa, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và rạn san hô có xu hướng suy giảm một cách nghiêm trọng.

Chính vì thế, để ứng phó với thực trạng này, ngày 01/03/2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra tuyên bố giai đoạn 2021 - 2030 là “Thập kỷ về phục hồi Hệ sinh thái” nhằm đưa ra lời kêu gọi trên quy mô lớn việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và bị phá hủy để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước và đa dạng sinh học. Đây là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất của chúng ta.

Tiếp nối chủ đề Ngày Quốc tế ĐDSH năm 2020 kêu gọi con người sống hài hòa với thiên nhiên, chủ đề Ngày Quốc tế ĐDSH năm 2021 là “Chúng ta là một phần của giải pháp - Vì thiên nhiên” nhấn mạnh để sống hài hòa với thiên nhiên, để bảo tồn ĐDSH và bảo vệ thiên nhiên có rất nhiều giải pháp và con người là một mảnh ghép quan trọng trong các giải pháp này. Các giải pháp của con người dựa vào thiên nhiên và bảo tồn ĐDSH là chìa khóa để giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng khả năng phục hồi và thích ứng ở một số khu vực quan trọng, bao gồm bảo tồn và phục hồi rừng và các HST trên cạn, bảo tồn và phục hồi tài nguyên nước ngọt, cũng như HST biển và đại dương, hệ thống nông nghiệp và thực phẩm bền vững. Công ước ĐDSH cũng nhấn mạnh, con người là một phần của thiên nhiên chứ không tách rời khỏi thiên nhiên.

Phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo tồn hiệu quả các loài và nguồn gen, đặc biệt là áp dụng các giải pháp dựa và thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế - xã hội tới các hệ sinh thái, thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Với những thành tựu trong 10 năm qua (2010 – 2020), có thể khẳng định công tác bảo tồn loài hoang dã cũng như bảo tồn đa dạng sinh học thực sự đã có các chuyển biến tích cực, từng bước đưa công tác này trở thành nhiệm vụ của toàn xã hội với sự tham gia của toàn cộng đồng. Điều này rất có ý nghĩa vì chủ đề ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2021 chính là “Chúng ta là một phần của giải pháp", như một lời khẳng định con người cũng là một yếu tố của giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học, thậm chí là yếu tố chìa khóa, quyết định sự thành công của công cuộc này.

Khẩu hiệu của Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021:

1. Sống hài hoà với thiên nhiên - Bảo tồn đa dạng sinh học.

2. Trái đất cần chúng ta! Hãy liên kết chống lại biến đổi khí hậu.

3. Hãy sử dụng đồ dùng từ vật liệu tái chế.

4. Đánh bắt hải sản sai cách là phá hủy cân bằng sinh học.

5. Sử dụng nguồn nguyên liệu xanh là góp phần bảo vệ môi trường.

6. Ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng thuốc trừ sâu, các sản phẩm từ nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân huỷ.

7. Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đa dạng sinh học.

8. Đa dạng sinh học - Hành trình duy trì sự sống.

9. Hành động vì thiên nhiên - Trách nhiệm của chúng ta.

10. Ngăn chặn và đảo ngược sự mất mát của các hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

(BTT H&MT)