Nhu cầu nhân lực ngành tài nguyên môi trường tiếp tục tăng

(TN&MT) - Sáng ngày 6/11, tại Hà Nội, nhiều vấn đề liên quan đến việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành tài nguyên và môi trường đã được đề cập trong Hội nghị Mạng lưới các cơ sở đào tạo ngành, chuyên ngành tài nguyên và môi trường. Hội nghị do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Tiến sĩ Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ TN&MT và PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện đến từ các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở đào tạo liên quan tới lĩnh vực tài nguyên và môi trường, các tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường và các tổ chức quốc tế, sứ quán các nước. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh, việc thiết lập mạng lưới các cơ sở đào tạo lĩnh vực tài nguyên và môi trường là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh, tăng cường hiệu quả hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ giữa các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành tài nguyên và môi trường, qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát huy được thế mạnh của ngành tài nguyên và môi trường trong sự phát triển của xã hội. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện thành công Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2012-2020.
 

Thông qua hội nghị, nhiều vấn đề liên quan đến công tác đào tạo trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã được các đơn vị đề cập đến. Ở cấp Trung ương, một số lĩnh vực có sự hẫng hụt về đội ngũ công chức, viên chức có trình độ cao, chuyên môn sâu. Còn ở cấp địa phương, nguồn nhân lực tập trung nhiều ở lĩnh vực quản lý đất đai, trong khi đó, cán bộ về môi trường, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước, quản lý biển, hải đảo, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu còn rất thiếu.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành trong các năm qua còn hạn chế, mất cân đối giữa các ngành, các cấp đào tạo, kể cả ở các trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường hay các cơ sở đào tạp ngoài Bộ. Đây là vấn đề được lãnh đạo các trường đại học, học viện chia sẻ và có nhiều khiến nghị, đề xuất tới lãnh đạo 2 Bộ.

Các chuyên gia dự báo, trong giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu bổ sung lực lượng công chức, viên chức tại các đơn vị quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp giảm khoảng 20 - 25%, tập trung tăng nguồn nhân lực có trình độ cao, tăng tỉ lệ người có trình độ đại học trở lên từ mức 70% lên 90%. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực được đào tạo chuyên môn tại khu vực doanh nghiệp tiếp tục tăng, nhất là với cán bộ kỹ thuật chuyên nghiệp, hiện đại. Đội ngũ cán bộ hiện tại ở cấp địa phương cần bổ sung thêm, bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, nhất là trong các lĩnh vực đặc thù.


Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai nhận định, các cơ sở đào tạo và các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý cần có mối quan hệ chặt chẽ hơn nữa, tăng cường trao đổi thông tin để nhanh chóng nắm bắt được nhu cầu nguồn nhân lực, từ đó đưa ra những định hướng cụ thể cho công tác giáo dục đào tạo kể cả đại học và sau đại học. Theo ông Lê Trọng Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ GD&ĐT cũng sắp hoàn thành thông tư hướng dẫn nội dung giáo dục về môi trường trong các trường học, dự kiến sẽ ban hành vào cuối năm 2015.
 

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tổ chức các hội thảo chuyên đề về đào tạo từng lĩnh vực cụ thể: Biển và hải đảo, địa chất và khoáng sản, đất đai, môi trường, đo đạc và bản đồ, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, tài nguyên nước, viễn thám.

Khánh Ly (Báo TN&MT)