Quá trình 10 năm xây dựng và phát triển của khoa Môi trường – Đại học Thủy lợi

Khoa Môi trường đặc biệt cảm ơn và ghi nhận công lao đóng góp to lớn của tất cả các thế hệ giảng viên, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh của Khoa trong suốt quá trình phát triển 10 năm qua.
Quá trình 10 năm xây dựng và phát triển của khoa Môi trường – Đại học Thủy lợi

- Kính thưa: Các Quý vị Đại biểu đại diện cho các cơ quan của Bộ NN&PTNT, Bộ GD&ĐT, Bộ TN&MT

- Kính thưa: Quý thầy cô Lãnh đạo trường ĐHTL, các Quý Thầy/Cô trong toàn trường cùng toàn thể các thế hệ SV, học viên, NCS và cựu SV, cựu học viên, cựu NCS Khoa Môi trường thân mến.

Trong không khí hân hoan chào mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11, ngày lễ trọng đại của ngành Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Được sự đồng ý của ĐU/BGH Trường Đại Học Thủy Lợi, hôm nay Khoa Môi trường long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa. Trước hết, cho phép tôi thay mặt tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên khoa Môi trường nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn toàn thể Quý vị đã đến với Khoa Môi trường trong Buổi Lễ long trọng này.
 
Sau đây, tôi xin được báo cáo tóm tắt về quá trình xây dựng và phát triển Khoa Môi trường trong 10 năm qua nhằm đánh giá những thành tựu đã đạt được, đúc rút những bài học kinh nghiệm cho việc tiếp tục xây dựng và phát triển bền vững Khoa Môi trường – Trường ĐHTL trong tương lai.

Kính thưa các Quý vị đại biểu, các vị khách quí, các Thầy Cô Giáo, các thế hệ sinh viên, HVCH & NCS Khoa MT thân mến.

Đáp ứng nhu cầu phát triển trường Đại học Thủy lợi theo Chiến lược đến 2020 và tầm nhìn 2030 được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt năm 2006, ngày 22/2/2007 Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi đã ký quyết định số 108/QĐ-ĐHTL thành lập Khoa Môi trường trên cơ sở Bộ môn Môi trường và BM Hóa thuộc Khoa Thủy văn Môi trường trước đây với nhiệm vụ đào tạo chính quy ngành “Kỹ thuật Môi trường” bậc Đại học.

Trong những năm đầu, nhiệm vụ cấp bách nhất của Khoa Môi trường là xây dựng đội ngũ, cơ sở vật chất để đảm bảo công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học nhằm đưa Khoa môi trường phát triển theo Chiến lược của trường Đại học Thủy lợi.

Để phục vụ tốt cho công tác đào tạo của Khoa, tháng 10/2010 Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi đã ký Quyết định thành lập hai bộ môn là Quản lý môi trường và Kỹ thuật môi trường trên cơ sở chia tách Bộ môn Môi trường trước đây. Sau khi BM Kỹ thuật Môi trường được thành lập, Phòng thí nghiệm Kỹ thuật môi trường đã được đầu tư xây dựng và từng bước được nâng cấp để phục vụ đào tạo các môn chuyên ngành cũng như công tác NCKH-CGCN-PVSX.

Tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển của trường Đại học Thủy lợi giai đoạn 2016- 2020, tầm nhìn đến 2030, tháng 7/2016 Hiệu trưởng trường ĐHTL đã ký Quyết định chia tách Bộ môn Hóa học thành Bộ môn Hóa cơ sở với nhiệm vụ chính giảng dạy các môn Hóa cơ bản và cơ sở cho các ngành trong Trường và Bộ môn Kỹ thuật Hóa học với nhiệm vụ phụ trách đào tào ngành Kỹ thuật Hóa học bậc đại học. Để phục vụ đào tạo ngành Kỹ thuật Hóa học, Phòng thí nghiệm Kỹ thuật Hóa học đã được nhà trường quan tâm đầu tư đạt chuẩn 5S và bắt đầu đưa vào sử dụng từ tháng 5/2017.

Như vậy, đến năm 2016 (sau 9 năm được thành lập) cơ cấu tổ chức của Khoa Môi trường đã phát triển từ 2 BM trước đây (BM Môi trường & BM Hóa) thành 4 Bộ môn hiện nay là: Hóa cơ sở, Quản lý Môi trường, Kỹ thuật Môi trường, Kỹ thuật Hóa học và 3 phòng thí nghiệm (Hóa Môi trường, Kỹ thuật Môi trường và Kỹ thuật hóa học) với nhiệm vụ phụ trách đào tạo từ bậc ĐH với 2 ngành Kỹ thuật Môi trường và Kỹ thuật Hóa học, đào tạo Thạc sỹ với 2 chuyên ngành Khoa học Môi trường và Kỹ thuật Môi trường và đào tạo Tiến sỹ với 2 chuyên ngành Môi trường đất và nước và Kỹ thuật Môi trường. Có thể nói, đây là sự nỗ lực đáng được ghi nhận của tập thể CBGV trong Khoa dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ĐU/BGH nhà trường, sự hỗ trợ giúp đỡ của các phòng/khoa/ban/ đơn vị trong trường cũng như sự hợp tác, ủng hộ quý báu từ các đối tác của Khoa.

Qua 10 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ cán bộ giảng viên trong Khoa tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Từ buổi ban đầu khi mới thành lập, Khoa chỉ có 2 Bộ môn với tổng số CBGV là 18 người. Trong đó, số giảng viên có trình độ TS là 03 người.

Xác định chất lượng đội ngũ GV là nhân tố quyết định đến sự phát triển và thành công của Khoa, BCN Khoa đã có định hướng đào tạo phát triển, nâng cao trình độ cán bộ giảng viên trong khoa. Nhiều giảng viên trẻ đã được gửi đi đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài, nhất là ở các nước phát triển. Đồng thời, Trường và Khoa đã ưu tiên tuyển dụng các tiến sĩ đã được đào tạo đúng chuyên ngành tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu trong và ngoài nước. Đến nay Khoa Môi trường có tổng cộng 36 CBGV, trong đó có 2 Giáo sư, 8 Phó giáo sư, 9 Tiến sĩ, 5 Nghiên cứu sinh trong và ngoài nước, 11 Thạc sĩ và 1 Kỹ sư, là một trong những khoa có tỉ lệ giảng viên có trình độ từ Tiến sĩ trở lên đạt trên 50% tổng số giảng viên.

Về công tác đào tạo, chương trình khung đào tạo ngành Kỹ thuật môi trường bậc Đại học đã được xây dựng cơ bản dựa trên chuẩn chương trình khối ngành kỹ thuật của Bộ Giáo dục và Đào tạo có tham khảo chương trình đào tạo của trường Đại học Florida, Hoa Kỳ với phương châm lấy người học làm trung tâm, coi trọng phát huy khả năng tự học, tự làm việc và phương pháp tư duy sáng tạo.

Ngay từ khi tuyển sinh khóa đầu tiên ngành Kỹ thuật môi trường (K49 MT, 2007), theo Kế hoạch chung của Trường, Khoa Môi trường đã tổ chức đào tạo theo hình thức học chế tín chỉ với tổng số 145 tín chỉ, thời gian đào tạo là 4,5 năm. Giáo trình, bài giảng của các môn học được biên soạn, biên dịch có chọn lọc rất công phu từ các giáo trình của các trường đại học tiên tiến của Hoa Kỹ và thế giới. Từ năm 2010 đã có 10 giáo trình chuyên ngành dạy cho bậc đại học đã được soạn thảo, thẩm định và đưa vào giảng dạy với chất lượng tốt. Ngoài ra nhiều bài giảng, sách tham khảo bằng tiếng Việt và tiếng Anh đã được Khoa lựa chọn để phục vụ công tác đào tạo.

Tính đến nay, Khoa Môi trường đã tổ chức đào tạo 11 khóa Đại học chính quy ngành Kỹ thuật Môi trường (từ K49 – K59), trong đó đã có 6 khóa với 365 sinh viên đã tốt nghiệp (có: 14 tốt nghiệp loại giỏi, 221 tốt nghiệp loại khá). Lớp kỹ sư môi trương đầu tiên (lớp 49MT) gồm 52 kỹ sư tốt nghiệp tháng 11/2011 đến nay đã có 6 năm công tác. Tổng số sinh viên ngành Kỹ thuật Môi trường hiện đang theo học tại Khoa là 485 sinh viên.

Ngành Kỹ thuật Hóa học đã tuyển sinh thành công khóa đầu tiên (K58 KTH) năm 2016 với 38 sinh viên đang theo học. Năm 2017 vẫn cơ bản duy trì được mức độ tuyển sinh so với năm trước. Hiện tổng số sinh viên đang theo học ngành KTHH là 72 SV.

Ngoài việc được trang bị các kiến thức chuyên môn, sinh viên khoa Môi trường còn được trang bị các kiến thức xã hội, kỹ năng mềm cần thiết trợ giúp cho phát triển nghề nghiệp sau khi ra trường.

Tập thể sinh viên Khoa Môi trường đã học tập và công tác với đam mê và trách nhiệm cao. Nhiều sinh viên tham gia và đạt giải Olympic các cấp môn Toán học và Hóa học. Năm học 2013-2014 có 01 sinh viên đạt giải nhất Olympic môn Toán học cấp trường. Trong NCKHSV, đều đặn từ 2009 trở lại đây, khoa đã tổ chức các hội nghị khoa học SV với số lượng báo cáo tăng từ 02 báo cáo (năm 2009) đến 16 báo cáo (năm 2016) với chất lượng ngày càng tăng. Trong hai năm 2015 và 2016, nghiên cứu khoa học sinh viên của Khoa Môi trường đã đạt giải xuất sắc nhất toàn trường với đề tài xử lý chất thải. Tham gia dự thi NCKH toàn quốc giải Vifotech sinh viên khoa môi trường đã đạt 1 giải ba (năm 2013). Tham gia dự thi đồ án tốt nghiêp giải Loa Thành khối các trường Xây Dựng, Kiến trúc, sinh viên khoa Môi trường năm 2015 đã đạt 1 giải ba, năm 2016 đạt 2 giải ba,..

Các hoạt động thể thao, văn nghệ của khối sinh viên toàn trường, sinh viên Khoa Môi trường luôn tích cực hưởng ứng tham gia, hết mình vì màu cờ sắc áo của Khoa để giao lưu với sinh viên toàn trường. Với tinh thần và động cơ phấn đấu tốt, trong 10 năm qua đã có 42 hạt nhân sinh viên tiêu biểu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Về đào tạo sau Đại học, với sự chỉ đạo và hỗ trợ của Trường Đại học Thủy lợi, Khoa Môi trường đã nỗ lực mở mới chuyên ngành đào tạo thạc sỹ Khoa học Môi trường và tuyển sinh khóa đầu tiên từ năm 2008 (K16 KHMT) đến nay. Năm 2012 khoa mở mới và tuyển sinh khóa cao học đầu tiên chuyên ngành Kỹ thuật Môi trường. Tính đến nay, Khoa đã đào tạo được 15 Khóa cao học chuyên ngành KHMT và 4 Khóa chuyên ngành KTMT. Trong đó đã có 135 Học viên tốt nghiệp và được cấp bằng thạc sỹ.

Ở bậc đào tạo Tiến sỹ, hiện Khoa đang đào tạo 2 chuyên ngành là Môi trường đất và nước và Kỹ thuật Môi trường với tổng số 11 NCS đã và đang theo học, trong đó đã có 3 NCS bảo vệ thành công LATS chuyên ngành Môi trường đất & nước và đã được cấp bằng.

Các kỹ sư, Thạc sỹ và Tiến sỹ được đào tạo từ Khoa Môi trường hiện đang đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau trong các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và các tổ chức khác trên nhiều vùng miền của đất nước, trong đó có nhiều người đang đảm nhận các vị trí quan trọng như Tổng Giám đốc, Cục trưởng, Trưởng/Phó các bộ môn chuyên môn ở các trường Đại học, Viện nghiên cứu.v.v. đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp phát triển bền vững đất nước.

Về NCKH-PVSX và hợp tác, Trong 10 năm qua, các giảng viên của Khoa Môi trường đã tham gia nhiều hoạt động khoa học công nghệ và phục vụ sản xuất, cụ thể đã và đang chủ trì 04 đề tài Nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên (Nafosted), chủ nhiệm và tham gia 10 đề tài cấp Nhà nước, 38 đề tài cấp Bộ, 23 đề tài các cấp khác liên quan tới lĩnh vực môi trường, sinh thái. Hàng chục dự án phục vụ sản xuất khác về bảo vệ môi trường đã được các giảng viên trong khoa triển khai thực hiện. Từ các kết quả khoa học công nghệ, phục vụ sản xuất, các giảng viên của Khoa đã công bố gần 70 bài báo quốc tế các loại (trong đó có 23 bài thuộc danh mục SCI/SCIE/SCOPUS), 125 bài báo trong nước, 25 báo cáo khoa học tại các hội thảo trong nước và quốc tế. Kết quả của các hoạt động nghiên cứu khoa học đã có tác động tích cực trở lại đối với hoạt động đào tạo, làm cho hoạt động đào tạo thêm phong phú, sinh động và thực tiễn.

Khoa có mối quan hệ và hợp tác chặt chẽ với nhiều trường đại học, tổ chức nước ngoài về khoa học công nghệ, trao đổi thông tin và đào tạo nguồn nhân lực như hợp tác với Đại học Quốc gia Lào đào tạo cao học Quốc tế về Kỹ thuật và Quản lý Môi trường giai đoạn 2011 – 2014 và Cao học Kỹ thuật thủy lợi giai đoạn 2015 – 2018 với sự tài trợ của Tổ chức trao đổi học thuật CHLB Đức (DAAD) và sự tham gia của Đại học Siegen (CHLB Đức) và Đại học Thammasat (Thái Lan). Một số giảng viên của Khoa MT và ĐHTL đã trực tiếp tham gia thỉnh giảng cho 2 chương trình này tại ĐH Quốc gia Lào cũng như tham gia hướng dẫn tham quan thực tập tại các cơ sở môi trường, các công trình thủy lợi tại Việt Nam và hướng dẫn Luận văn thạc sỹ cho các học viên CH của ĐH Quốc gia Lào. Dự án đã tạo cơ hội tăng cường liên kết, trao đổi về đào tạo và NCKH giữa ĐHTL và các Đại học đối tác. Đặc biệt, việc tham gia dự án này cũng góp phần tăng cường mối quan hệ truyền thống Việt – Lào và cũng là cơ hội để quảng bá Khoa môi trường và trường Đại học Thủy lợi với bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, các giảng viên của Khoa cũng đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế của Trường như dự án hợp tác với ĐH Kyushu Nhật Bản về bảo tồn môi trường đất và nước ở các lưu vực Đông Nam Á (SOWAC) từ 2012 – 2014. Các kết quả hợp tác quốc tế đã được các đối tác đánh giá cao.

Khoa cũng luôn chú trọng hợp tác với các đối tác trong nước như phối hợp với các chuyên gia giảng dạy của các trường Đại học, viện NC trong xây dựng đề cương, giáo trình, trực tiếp cùng hướng dẫn nghiên cứu sinh Tiến sĩ, học viên cao học và tham gia nghiên cứu khoa học.

Khoa cũng thường xuyên phối hợp và làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường thuộc Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT và các Bộ/ngành khác.

Trong công tác đoàn thể, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ, Công đoàn Khoa Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với Ban chủ nhiệm Khoa thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyên môn của Khoa. Công đoàn tích cực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của các cán bộ, giảng viên như phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động thể thao, văn nghệ, du xuân, nghỉ mát v.v. góp phần tăng cường khối đoàn kết và sự yêu thương giúp đỡ lẫn nhau giữa các công đoàn viên. Trong cả hai nhiệm kì 2007-2012 và 2012-2017, Công đoàn Khoa Môi trường đều đạt danh hiệu tập thể vững mạnh, xuất sắc.

Mặc dù mới trải qua chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển, nhưng nhờ sự phấn đấu nỗ lực không ngừng của thầy và trò, Khoa Môi trường đã đạt được các thành tích được cấp trên ghi nhận như: Tập thể Khoa đã 2 lần được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT vào năm 2015 và 2017; 02 Bộ môn trong Khoa đã 2 lần được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT vào các năm 2013 và 2017; 01 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 năm 2013; 01 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2009; 08 lượt cá nhân được nhận Bằng khen và Kỷ niệm chương cấp Bộ; 03 cá nhân đạt được Danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp Bộ; và nhiều danh hiệu thi đua cấp Trường khác.

Phát huy những thành quả và các bài học kinh nghiệm trong 10 năm qua, trong thời gian tới thầy và trò Khoa Môi trường sẽ tiếp tục đoàn kết và nỗ lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao với các phương hướng chỉ đạo cơ bản sau:

1. Bám sát đường lối chỉ đạo, điều hành của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học Thủy lợi để vận dụng sáng tạo trong chỉ đạo và điều hành các hoạt động của Khoa.

2. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học trên cơ sở nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên và mở rộng hợp tác với các đối tác ở trong và ngoài nước.

3. Từng bước đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội trên cơ sở định hướng chiến lược chung của Trường Đại học Thủy lợi.

4. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ sản xuất; khuyến khích công bố các kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành có uy tín.

5. Chú trọng tăng cường cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm phục vụ tốt công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Kính thưa các Quý vị đại biểu, các Quý thầy cô, các thế hệ cựu sinh viên và các em sinh viên thân mến,

Khoa Môi trường với 10 năm xây dựng và phát triển - một chặng đường tuy chưa dài nhưng đầy thử thách với những thành quả đáng trân trọng nhờ có đội ngũ giảng viên tâm huyết, năng động, đoàn kết giúp đỡ nhau đã tạo nên động lực giúp Khoa phát triển bền vững. Sự trưởng thành, lớn mạnh của Khoa Môi trường như hôm nay là nhờ sự quan tâm của Đảng uỷ, Ban giám hiệu, các đơn vị và các khoa trong trường; của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hợp tác và giúp đỡ của các cơ quan trong nước, các tổ chức quốc tế, các trường đại học trong và ngoài nước là rất quan trọng trong sự phát triển bền vững của Khoa Môi trường.

Nhân dịp này cho phép chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn tới Đảng uỷ, Ban giám hiệu trường Đại học Thủy lợi, các cơ quan, ban ngành trong nước và các tổ chức quốc tế. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, giúp đỡ và hợp tác để tiếp tục đào tạo đội ngũ, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu phục vụ công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của đất nước.

Khoa Môi trường đặc biệt cảm ơn và ghi nhận công lao đóng góp to lớn của tất cả các thế hệ giảng viên, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh của Khoa trong suốt quá trình phát triển 10 năm qua.

Trước khi dừng lời, nhân dịp sắp đến ngày Nhà giáo VN 20/11, cho phép tôi xin được gửi lời tri ân sâu sắc và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất đến tất cả các thế hệ nhà giáo lão thành và các Quý thầy cô.

Xin kính chúc các các Quý vị đại biểu, các Quý Thầy Cô, các thế hệ sinh viên, HVCH & NCS Khoa MT sức khỏe, hạnh phúc và thành công !

Xin trân trọng cảm ơn !