Khoa Môi trường – Đại học Thủy lợi tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo và trao đổi học thuật

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường Đại học Thủy lợi và Đại học Quốc gia Lào, dự án “Nâng cao năng lực về Kỹ thuật và Quản lý Môi trường” (E2M) - Pha 2 “Xây dựng và thực hiện chương trình Cao học kỹ thuật thủy lợi” của Đại học Quốc gia Lào được tài trợ bởi Tổ chức trao đổi học thuật của Cộng hòa liên bang Đức (DAAD) với sự tham gia hỗ trợ của Trung tâm phát triển năng lực quốc tế (CICD) – Đại học Siegen (CHLB Đức), Đại học Dresden (CHLB Đức), Viện Công nghệ Quốc tế Sirindhorn (SIIT) – Đại học Thammasat (Thái Lan) và Khoa Môi trường – Đại học Thủy lợi

Hình 1. Giảng viên quốc tế cùng học viên khóa 1-chuyên ngành Kỹ thuật thủy lợi thăm quan tại nhà máy thủy điện Sơn La

Từ ngày 23-27/10/2017 Khoa Môi trường, ĐHTL đã phối hợp cùng các Đại học đối tác tổ chức hướng dẫn đoàn học viên Cao học khóa 1 chuyên ngành Kỹ thuật Thủy lợi đến tham quan thực tập tại hồ chứa nước Pá Khoang, tỉnh Điện Biên và Công trình thủy điện Sơn La, tỉnh Sơn La để tìm hiểu thực tế về kỹ thuật đập/hồ chứa, thủy điện và các vấn đề môi trường liên quan.


 Hình 2. PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái – Phó Hiệu trưởng Đại học thủy lợi tiếp và chụp ảnh lưu niệm với đoàn giảng viên quốc tế

Kết hợp chuyến hướng dẫn học viên đi tham quan tại Việt Nam, đoàn giảng viên của các nước đối tác đã có chuyến thăm và làm việc với Khoa môi trường và trường Đại học Thủy lợi vào ngày 28/10/2017 và có 2 Báo cáo khoa học điển hình của 2 GS đến từ CHLB Đức:


 Hình 3. PGS.TS. Bùi Quốc Lập – Trưởng khoa Môi trường giới thiệu tóm tắt về Trường Đại học Thủy lợi và Khoa Môi trường

Báo cáo 1: “Khử mặn phân tán bằng điện thẩm tách sử dụng năng lượng mặt trời” do GS. Johannes Fritsch trường Đại học Khoa học ứng dụng Ravensburg-Weingarten (CHLB Đức) trình bày. Nội dung chính của báo cáo giới thiệu về quá trình lọc màng trong việc xử lý xâm nhập mặn, đặc biệt về phương pháp điện thẩm tách.

Hình 4. GS.TS Johannes Fritsch trình bày báo cáo

Kết quả nghiên cưu đã chỉ ra rằng điện thẩm tách là công nghệ có khả năng xử lý rất tốt khi điều kiện của quá trình thay đổi nhanh như độ mặn của nước, cường độ bức xạ mặt trời nếu thiết bị đó sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Cuối cùng các giải pháp cải thiện được đưa ra để giảm thiểu nhu cầu năng lượng cho việc khử mặn bằng phương pháp điện thẩm tách.   

Báo cáo 2: “Thủy văn và thủy lực sinh thái là bộ phận thiết yếu của quản lý tổng hợp lưu vực” do GS. Gerd Forch từ trường Đại học Siegen (CHLB Đức) trình bày. Nội dung chính của báo cáo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quản lý tài nguyên nước tổng hợp ở cấp độ lưu vực trong đó bao gồm tất cả các khía cạnh thủy văn và thủy lực.

Hình 5. GS. TS. Gerd Forch trình bày báo cáo

Thủy lực sinh thái nhìn nhận một vực nước ví dụ một con sông chẳng hạn là một dòng chảy liên tục, sự vận chuyển bùn cát ở phạm vi rộng và hệ sinh thái nước phụ thuộc và thích ứng với các điều kiện dòng chảy cũng như sự sẵn có của các chất dinh dưỡng và ô xy hòa tan. Vì cả 3 thành phần – dòng chảy sông, bùn cát, và hệ sinh thái nước là kết quả của các quá trình (thủy văn) ngắn hạn và dài hạn trong lưu vực. Rõ ràng rằng việc giám sát lưu vực là một bộ phận của nghiên cứu thủy lực sinh thái và các biện pháp quản lý lưu vực phải trở thành một bộ phận của thiết kế thủy lực sinh thái.  

Hình 6. Đoàn chuyên gia quốc tế thăm quan dã ngoại tại tỉnh Điện Biên

  Dự án đã tạo cơ hội tăng cường liên kết, trao đổi về đào tạo và NCKH giữa các Đại học đối tác. Đặc biệt, việc tham gia dự án cũng góp phần tăng cường mối quan hệ truyền thống Việt – Lào và cũng là cơ hội để quảng bá Khoa môi trường và trường Đại học Thủy lợi với bạn bè quốc tế.

(BCN Khoa Môi trường)