Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ 30 – khoa Môi trường- Đại học Thủy Lợi

Hội nghị sinh viên NCKH lần thứ 30 của Khoa Môi trường được tổ chức vào ngày 24/03/2017. Hội nghị có tổng cộng 14 đề tài với các chủ đề rất đa dạng.

Với mục tiêu trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng tốt nhất để đóng góp cho xã hội thì bên cạnh những kiến thức giảng dạy, Khoa Môi trường – Đại học Thủy lợi luôn khuyến khích và động viên phong trào sinh viên NCKH. Đây là những cơ hội rất có ích cho sinh viên trong Khoa khi được áp dụng những kiến thức đã học trên lớp vào những đề tài cụ thể, từ đó sáng tạo ra những công nghệ, giải pháp cho các vấn đề môi trường. Do đó, hoạt động này luôn được đông đảo sinh viên tham gia nhiệt tình.

Đề tài đa dạng và thiết thực

Hội nghị sinh viên NCKH lần thứ 30 của Khoa Môi trường được tổ chức vào ngày 24/03/2017 là cơ hội để các sinh viên trình bày kết quả nghiên cứu của mình. Hội nghị có tổng cộng 14 đề tài với chủ đề rất đa dạng. Ví dụ những đề tài trong phòng thí nghiệm như “Xử lý nước thải sông Tô Lịch bằng vật liệu tái chế từ xỉ than kết hợp trồng cây” của Nguyễn Thị Thu Hoài K55MT2 và cộng sự, tới môi trường tự nhiên như đề tài “Nghiên cứu đánh giá tình trạng phú dưỡng của một số hồ điển hình ở Hà Nội” của Lê Thị Hương K55MT1 và cộng sự; từ những nghiên cứu có tính chuyên sâu như “Nghiên cứu tổng hợp xúc tác perovskites chứa La, Fe, Ti hướng tới ứng dụng xử lý nước bị ô nhiễm phenol” của Phạm Thị Nhàn K56MT1 và cộng sự, tới những nghiên cứu có tính xã hội cao như “Nghiên cứu đánh giá chất lượng nước máy sinh hoạt và nhận thức cộng đồng ở một số quận trong thành phố Hà Nội” của Kim Ngọc Thúy K55MT1 và cộng sự.

 

 

Mô hình xử lý nước thải sông Tô Lịch của nhóm sinh viên Nguyễn Thị Thu Hoài K55MT2 và cộng sự

 

 

Phỏng vấn xã hội người dân Hà Nội về chất lượng nước cấp sinh hoạt – đề tài của Kim Ngọc Thúy 55MT1 và cộng sự

Niềm đam mê nghiên cứu khoa học

Các sinh viên đều có một cảm nhận chung là tuy NCKH là một công việc rất vất vả nhưng bù lại đã học được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm bổ ích. Sinh viên Chu Thị Ngọc Ngà K55MT1 chia sẻ về quá trình làm NCKH của nhóm: “Tiếp bước với các anh chị khóa trên, em đã tiếp thu được nguồn nhiệt huyết của NCKH khi em còn là sinh viên năm thứ 3 khi những ngày đầu bắt đầu chập chững vào những môn học chuyên ngành. Trong thời gian tham gia nghiên cứu, nhóm em đã nhận đươc sự hướng dẫn nhiệt tình của cô giáo hướng dẫn PGS.TS Phạm Thị Ngọc Lan, tuy nhiên đã gặp phải rất nhiều khó khăn như thiếu hóa chất chế tạo vật liệu, địa điểm lấy mẫu nước thải là làng nghề đúc đồng Tống Xá, Ý Yên, Nam Định cách Hà Nội khoảng gần 100km nên chúng em phải đi bằng xe khách. Cứ thế ngày qua ngày, từng bước một, công việc cũng được hoàn thành. Cả nhóm mang thành quả của mình đến buổi bảo vệ NCKH”. Ở một góc độ khác, sinh viên Kim Ngọc Thúy K55MT1 chia sẻ “Từ năm nhất đến năm ba, cái định nghĩa NCKH trong mình nó mơ hồ lắm, mình chỉ biết qua lời kể của bạn cùng lớp đã tham gia và cũng chưa bao giờ có ý định muốn nghiên cứu cả vì mình khá lười. Tuy nhiên khi bước vào các môn chuyên ngành mình có nhiều thay đổi trong nhận thức và cách suy nghĩ. Và cuối cùng hè năm ngoái, mình đã quyết định chủ động làm NCKH và đã bảo vệ xong. Kinh nghiệm của mình là nếu bạn có suy nghĩ thụ động đợi chờ ai đó bảo mình nên làm cái này, nên làm cái kia, hay ỉ lại vào nhóm thì mình nghĩ việc nghiên cứu KHÔNG PHÙ HỢP với bạn! Khi bạn đã làm nghiên cứu thì chắc chắn đây là sự tự nguyện của bản thân, chứ không phải sự ép buộc do chương trình đào tạo”. Tuy là sinh viên năm thứ 2 và chưa được học nhiều môn chuyên ngành, sinh viên Nguyễn Thị Ngân K57MT1 chia sẻ “Khi tham gia NCKH chúng em đã nhận được sự hướng dẫn của thầy giáo TS. Lê Minh Thành cùng với tinh thần làm việc nhóm của các thành viên trong nhóm đã giúp cho bài báo cáo NCKH đã được hoàn thành đúng thời gian và đạt tiêu chuẩn của một bài báo cáo khoa học.Từ đó, chúng em có them nhiều kiến thức mới, nhiều phương pháp mới, đặc biệt là biết cách tư duy khoa học và logic để thu được kết quả cao và hiệu quả làm việc cao hơn”.

Cần phát triển hơn nữa

Với mục tiêu nâng cao chất lượng nghiên cứu của sinh viên và quan trọng hơn là gắn với nhu cầu của xã hội, thầy giáo TS. Đỗ Thuận An chia sẻ “nhìn chung năm nay các đề tài rất đa dạng và có chất lượng tốt. Trong những năm tới, chúng tôi sẽ cố gắng liên kết với các đơn vị quan tâm đến những nghiên cứu này như doanh nghiệp, đơn vị sản xuất hay viện nghiên cứu môi trường v.v.. để biến những công sức của sinh viên thành kết quả cụ thể, được áp dụng trong thực tế. Đó là vừa là cơ hội làm việc, vừa là niềm khích lệ để sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật môi trường – Đại học Thủy Lợi có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

 

 

                                                               Nhóm sinh viên trình bày kết quả NCKH
 

 

                                  Giảng viên và sinh viên chụp ảnh kỷ niệm hội nghị sinh viên NCKH lần thứ 30
 
Thú vị là sau khi kết thúc gần 1 năm làm NCKH, một nhóm sinh viên đã làm một video để lưu lại những kỷ niệm thời sinh viên và xin được chia sẻ với bạn đọc dưới đây:

https://www.youtube.com/watch?v=iuWbsO06WoM

(Tác giả: Bạch Thị Thắm 56MT1)