Sinh viên Khoa Môi trường cho rằng "Olympic là chuyện Nhỏ", các các bạn nghĩ sao?

Tập thể sinh viên Khoa Môi trường luôn học tập và nghiên cứu với đam mê và trách nhiệm cao. Nhiều sinh viên tham gia và đạt giải Olympic các cấp môn Toán học, Hóa học, Cơ hoc,… Cụ thể, Khoa Môi trường có gần 50 sinh viên dự thi Olympic cấp Trường các môn và nhiều sinh viên đã đạt giải và được dự thi Olympic toàn quốc

OLYMPIC LÀ CHUYỆN NHỎ

Một nhà hiền triết nói, nếu bạn mạnh dạn đi lên phía trước, bạn sẽ nhận ra chính mình và biết rằng thành công nhất định thuộc về mình. Và trong những cách có thể vượt qua được nỗi sợ hãi của bản thân chính là mạnh dạn thử làm những điều mà bạn nghĩ chưa bao giờ bạn có thể đạt được thành công. Olympic các môn khoa học là cuộc thi được tổ chức hàng năm ở các cấp, là sân chơi để sinh viên có thể trau dồi kiến thức và tự tin khẳng định mình nhưng Olympic còn là nơi để các bạn sinh viên phá bỏ rào cản của bản thân, đạt tới những điều mà chưa bao giờ nghĩ mình có thể làm được.

Với mục đích nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, thúc đẩy phong trào học tập trong sinh viên, góp phần phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, hàng năm Trường Đại học Thủy lợi luôn tổ chức các cuộc thi Olympic cấp trường các môn thu hút rất nhiều sinh viên ở các khoa khác nhau. Đặc biệt, phong trào thi Olympic luôn được sinh viên Khoa Môi trường tích cực tham gia các kỳ thi từ cấp trường tiến tới thi Olympic toàn quốc các môn học.

Tập thể sinh viên Khoa Môi trường luôn học tập và nghiên cứu với đam mê và trách nhiệm cao. Nhiều sinh viên tham gia và đạt giải Olympic các cấp môn Toán học, Hóa học, Cơ hoc,… Cụ thể, Khoa Môi trường có gần 50 sinh viên dự thi Olympic cấp Trường các môn và nhiều sinh viên đã đạt giải và được dự thi Olympic toàn quốc. Vậy để đạt giải Olympic có khó như mọi sinh viên thường nghĩ, Olympic có phải là một điều gì đó quá xa vời, quá cao siêu? Chúng ta cùng đến với các chia sẻ của những bạn sinh viên đã đạt giải nhé.

Tháng 4/2018, ngành Kỹ thuật Hóa – Khoa Môi trường có 5 thí sinh tham dự là các sinh viên của lớp 58KTH đều đạt giải Ba Olympic Hóa học toàn quốc. Đó là sinh viên Trần Kim Anh, Nguyễn Xuân Hà, Lê Văn Mạnh, Quách Thị Thanh Nhàn và Bùi Thị Thu Uyên.

Lãnh đạo Nhà trường chúc mừng thầy và trò đội tuyển Olympic Hóa học năm 2018

Sinh viên Lê Văn Mạnh – đạt giải Ba Olympic Hóa toàn quốc năm 2018 có gia đình đặc biệt khó khăn khi mồ côi cả cha và mẹ từ nhỏ chia sẻ: “Ban đầu mình nghĩ Olympic là một thứ rất xa vời, khó với tới nhưng trong quá trình ôn luyện, mình nhận thấy các dạng bài tập chỉ xoay quanh những kiến thức đã được học ở dạng nâng cao hơn. Dù là lần đầu tiên đến với sân chơi Olympic Hóa toàn quốc, nhưng với sự hướng dẫn nhiệt tình, tâm huyết của thầy cô và sự giúp đỡ của bạn bè nên mình hoàn toàn cảm thấy tự tin về kiến thức đã được học. Việc tham gia ôn luyện Olympic không chỉ giúp mình có thêm rất nhiều kiến thức về chuyên ngành đang học mà điều quan trọng, mình đã phá vỡ được rào cản của bản thân, vượt qua được chính mình, làm điều mà mình nghĩ trước nay chưa từng làm được. Olympic không chỉ là một cuộc thi mà còn là một sân chơi bổ ích. Chúng mình đã gặp gỡ, giao lưu và làm quen với nhiều bạn bè ở các trường Đại học, cùng nhau chia sẻ, trao đổi kiến thức”. Nhắc về các khó khăn trong quá trình ôn luyện, Mạnh chia sẻ: “Giai đoạn thi Olympic trùng với thời gian thi cuối kỳ, việc khó khăn nhất của mình là cách cân bằng thời gian, sắp xếp lịch học phù hợp để không làm ảnh hưởng đến kết quả học tập. Sau mỗi bài giảng trên lớp, mình thường tổng hợp lại kiến thức để làm đề cương ôn thi cho cuối kỳ rồi sau đó mới dành thời gian để ôn luyện bài tập Olympic. Những lúc áp lực, mình luôn có bà và em gái ở bên cạnh động viên, đó chính là nguồn động lực để mình nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn”.

 

Sinh viên Lê Văn Mạnh lớp 58KTH cùng thầy giáo Lưu Trường Giang - giảng viên bộ môn Kỹ thuật Hóa học Khoa Môi trường

Tháng 4/2019 vừa qua, sinh viên Kiều Thị Mai Hương – lớp 58MT1, Khoa Môi trường đã dự thi và đoạt giải khuyến khích Olympic Thủy lực toàn quốc lần thứ 31 do Hội Cơ học Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức.! 

Sinh viên Kiều Thị Mai Hương lớp 58MT2 (thứ 7 từ trái sang) - Khoa Môi trường tham dự kì thi Olympic Thủy lực toàn quốc năm 2019

Khi nhắc đến những khó khăn gặp phải trong quá trình ôn Olympic, sinh viên Kiều Thị Mai Hương – sinh viên lớp 58MT1, đạt giải Khuyến khích Olympic Thủy lực toàn quốc năm 2019 chia sẻ: “Cách sắp xếp thời gian phù hợp và hiệu quả là điều mình gặp khó khăn nhất trong quá trình ôn luyện. Ngoài lịch học trên lớp, lịch học ôn đội tuyển, mình còn đang học ngoại ngữ và đi làm thêm. Nhiều hôm tối muộn mới về đến kí túc xá, mình gần như mệt nhoài nhưng vì niềm đam mê với môn Thủy lực và mong muốn được xét học bổng du học nên mình không hề nản lòng mà còn nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa để có thể thực hiện được ước mơ du học. Olympic là cuộc thi giúp mình khẳng định bản thân và đưa mình chạm tới ước mơ gần hơn. Mỗi lần mệt mỏi, muốn bỏ cuộc, mình sẽ nghĩ tới lý do bắt đầu, nghĩ đến mục tiêu, ước mơ đang đợi mình thực hiện. Và điều mình cảm thấy may mắn nhất đó là luôn có thầy cô, bạn bè và gia đình luôn ở bên giúp đỡ, là điểm dựa tinh thần vững chắc, là nguồn động viên to lớn để mình tiếp tục vững bước trên cuộc hành trình thực hiện ước mơ”. 

Sinh viên Kiều Thị Mai Hương lớp 58MT2 (đứng thứ 5 từ trái sang) cùng đội tuyển Olympic cơ học trong Lễ bế mạc và Trao giải tại ĐH Bách Khoa Hà Nội

Dù là lần đầu các bạn sinh viên đến với sân chơi toàn quốc, song với sự dẫn dắt nhiệt tình, trách nhiệm của các thầy cô giáo bộ môn, đồng thời là sự cố gắng, ham học hỏi của bản thân, các bạn sinh viên Khoa Môi trường đã xuất sắc hoàn thành tốt các phần thi và mang về vinh quang cho Nhà trường.

Cuộc thi Olympic không chỉ là sân chơi thể hiện sự hiểu biết của từng cá nhân, niềm say mê, yêu thích đối với môn học mà còn là cơ hội gặp gỡ, giao lưu và học hỏi của các sinh viên, là dịp để cán bộ, giảng viên các trường Đại học chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu. Sau mỗi cuộc thi, các sinh viên đều tự trang bị được cho mình những kiến thức nhất định về môn học, cải thiện khả năng tư duy, tăng mức độ tập trung cũng như giúp các bạn có được khả năng xây dựng kế hoạch cho các kỳ thi khác.

Chúng ta không cần phải quá lo lắng rằng mình không đủ kiến thức đối với các môn không chuyển để tham gia, cần học tập tốt trên lớp, đầu tư nghiên cứu, đó là nền tảng tốt để đạt được kết quả cao trong kỳ thi Olympic. Một cuộc đời không có những bước đột phá thì sẽ dậm chân tại chỗ và cuộc sống cứ kéo dài như thế, tiềm năng chả bao giờ được phát huy vì không vượt qua được chính mình để có thể tự bước đi. Sinh viên chúng ta hãy phát huy tiềm năng và tính sáng tạo, vượt qua bản thân mình, dám nghĩ, dám thử, dám làm, dám đương đầu với thử thách thì mới có thể thành công!

(Ban Truyền thông Khoa Môi trường)