Nhóm nữ sinh viên Khoa Hóa và Môi trường thuộc trường Đại học Thủy Lợi (Hà Nội) nghiên cứu và sáng chế ra loại sản phẩm khẩu trang được làm từ rơm rạ.

Là nhóm nữ duy nhất tham gia cuộc thi "Sáng tạo trẻ Bách khoa 2020", nhóm 3 bạn nữ sinh Hoàng Bảo Linh, Phạm Tùng Dương và Hoàng Thị Anh Thư - thuộc Khoa Hóa và Môi trường, Đại học Thủy Lợi đã đưa ra sáng kiến khẩu trang thông minh B-Mask-B-Plastic.
Xuất phát từ mong muốn giải bài toán ô nhiễm từ nhiều vùng quê Việt Nam, những sinh viên này đã sáng tạo loại khẩu trang có màng lọc được sản xuất từ rơm rạ. Đề tài nghiên cứu khoa học này được giải khuyến khích trong kì thi vừa tổ chức đợt tháng 3.2021.
Nói về ý tưởng thực hiện đề tài nghiên cứu này, sinh viên Phạm Tùng Dương (20 tuổi), thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ, nhóm bao gồm 3 người đều sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp. Vì vậy, sau mỗi mùa gặt, Dương thấy rơm rạ tại các vùng quê được thải ra rất nhiều. Tuy nhiên, người dân thường sẽ xử lý theo những cách thô sơ nhất như đốt rơm ủ phân, trồng nấm. Các biện pháp này đều gây ra ô nhiễm môi trường.
Vì thế, nhóm sinh viên đã nghĩ ra dự án này để biến phụ phẩm nông nghiệp có giá trị thấp thành sản phẩm có giá trị cao. Điểm đặc biệt của những chiếc khẩu trang này là thay vì đốt rơm rạ thì sử dụng nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có để chế tạo sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường. Khi nông dân gặt lúa xong sẽ thu phần rơm rạ về, sau đó tách chiết nguyên liệu, tạo ra màng nano sinh học.
Màng lọc nano là công nghệ cao, được các thầy cô sử dụng những thiết bị thông thường trong phòng thí nghiệm để làm ra các sản phẩm là những chiếc khẩu trang vừa có tác dụng phòng dịch COVID-19, vừa giảm ô nhiễm môi trường.
Tùng Dương cho biết, trong quá trình làm gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi kinh phí, thời gian, sự kiên trì, sáng tạo. Để làm được điều này, nhóm đã may mắn nhận được sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô.
Nói về thành phần của chiếc khẩu trang, Ths. Phạm Thị Hồng - giảng viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu - cho hay, khẩu trang có 1 lớp màng có thể thay thế, còn lại là loại vải thông thường. Lớp màng ở giữa có thể thu và tái sử dụng lại vì nó là những loại nhựa sinh học. Ngoài ra, khẩu trang còn có loại đặc biệt dành cho người khiếm thính làm bằng nhựa sinh học.
Màng nhựa sinh học có thời gian phân hủy nhanh và có thể phân hủy bằng cách cho vi khuẩn và phân hủy toàn bộ, không phải loại nhựa truyền thống. Được biết, loại màng lọc này có thể lọc từ 60% - 90% bụi mịn.

Đánh giá về đề tài nghiên cứu khoa học, TS Nguyễn Văn Sỹ - Trưởng Khoa Hóa và Môi trường, Đại học Thủy Lợi - cho hay, đây là đề tài mang tính sáng tạo, thân thiện với môi trường, có tác dụng giúp giảm thiểu rác thải y tế.
Khẩu trang y tế thải ra môi trường, gây ra các chất độc hại cho môi trường. Trong khi đó, khẩu trang từ rơm rạ không gây hại môi trường bởi chỉ cần thay màng lọc là có thể tái sử dụng.

Mong muốn trong thời gian tới của nhóm có thể ứng dụng sản phẩm ra thị trường. Nhưng do còn thiếu kinh phí nên các sản phẩm vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Sắp tới, nhóm sẽ tìm kiếm nguồn đầu tư để có thể đưa sản phẩm áp dụng vào thực tế.

PHẠM ĐÔNG