Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Công nghệ sinh học

TLU - Nghiên cứu khoa học là hoạt động thường xuyên của giảng viên và sinh viên Trường Đại học thủy lợi. Ngoài hoạt động giảng dạy, giảng viên Nhà trường còn tham gia các đề tài, các dự án sản xuất thử nghiệm.

Ngành Công nghệ sinh học là ngành thực nghiệm mới được đưa vào chương trình đào tạo của Trường Đại học Thủy lợi vài năm trở lại đây. Song hành cùng công tác giảng dạy thì việc tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, hướng dẫn sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học có ý nghĩa rất lớn. Chính vì vậy, Nhà trường đã đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm hiện đại để phục vụ công tác này.

2 năm trở lại đây, do tác động của dịch Covid-19, các nhóm sinh viên ngành Công nghệ sinh học có ít thời gian hơn so với các năm học trước tuy nhiên các em lại rất tích cực, không quản những ngày nghỉ (thứ 7, chủ nhật và ngày lễ), những buổi tối phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học luôn luôn sáng đèn.

Năm học 2021-2022, với đề tài “Nghiên cứu sàng lọc hoạt tính kháng vi sinh vật kiểm định, hoạt tính chống oxy hóa và hoạt tính kháng vi sinh vật của cây hoàn ngọc Lào Cai”, nhóm nghiên cứu gồm có 3 em sinh viên: Ninh Thị Cẩm Vân, Nguyễn Thị Kiều Yên và Đinh Thị Thu Trang – lớp 61SH do TS. Cao Thị Huệ và PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương hướng dẫn đã đạt Giải Nhất Hội nghị Khoa học sinh viên cấp Khoa ( Tiểu ban Công nghệ sinh học) và được báo cáo cấp Trường với kết quả đạt Giải Ba chung cuộc.

Lễ tổng kết và trao giải Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường năm 2021-2022

Theo TS. Cao Thị Huệ - Giảng viên Bộ môn Công nghệ sinh học cho biết: Kết quả nghiên cứu ban đầu về hoạt tính chống oxy hóa, kháng viêm và kháng vi sinh vật kiểm định là cơ sở khẳng định việc sử dụng cây hoàn ngọc trong dân gian và trong tương lai nhóm có thể hướng tới bào chế thành một số dạng sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho con người. Bước ra từ cuộc thi, nhóm nghiên cứu hiện hướng tới một số kiểm nghiệm để đăng kí sản phẩm.

TS. Cao Thị Huệ - Giảng viên có nhiều năm kinh nghiệm hướng dẫn sinh viên, học sinh THPT tham gia nghiên cứu khoa học

Có thể nói, việc tham gia làm nghiên cứu khoa học giúp sinh viên có thêm kiến thức và kỹ năng sau khi ra trường. Đặc biệt, các em sẽ được rèn luyện kỹ năng phòng thí nghiệm, kỹ năng tra cứu tài liệu, kỹ năng viết báo cáo, kỹ năng thuyết trình và kỹ năng làm việc nhóm. Ngoài ra, việc tham gia nghiên cứu khoa học ở các ngành thực nghiệm giúp các em trực tiếp tham gia vào việc tạo ra các sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cộng đồng, điều này giúp các em cảm thấy yêu ngành, yêu nghề hơn.

Nguồn: Đại học Thủy lợi.