HỘI THẢO VỀ QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC PHỤC VỤ ỨNG PHÓ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Hiện nay khi cuộc sống của con người ngày càng phát triển, những hoạt động của con người tác động đến môi trường, đến khí hậu dẫn đến tình trạng biến đối khí hậu toàn cầu. Biến đổi khí hậu là vấn đề của cả thế giới và đó là thách thức lớn đối với loài người. Biến đổi khí hậu chính là quá trình thay đổi của thời tiết, khí hậu, có thể là do con người hoặc thiên nhiên gây ra. Hàng năm ở mỗi quốc gia có rất nhiều cảnh báo có thể ảnh hưởng trực tiếp đến biến đổi khí hậu như tỷ lệ gia tăng dân số một cách khủng khiếp, dịch bệnh tràn lan, môi trường bị suy thoái trầm trọng. Tất cả đều nằm ở ý thức của con người. Họ đang phá hủy chính cuộc sống mà họ tốn công xây dựng một cách “giấu mặt” như vậy. Thực trạng này thật đáng buồn nhưng lại chưa thể có phương án giải quyết cụ thể.

Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người. Những năm trở lại đây trên thế giới xuất hiện nhiều thiên tai như bão lũ, sóng thần, động đất, phun trào núi lửa một cách dày đặc, những hiện tượng đó đã gây ra bao nhiêu đau thương mất mát cho con người. Hơn hết có một điều mà có lẽ ai cũng nhận ra chính là sự xuất hiện của nhiều căn bệnh lạ. Đó cũng là do thời tiết đã và đang chuyển biến khiến dịch bệnh phát sinh.

Chất lượng nước là một vấn đề lớn ở Hàn Quốc. Mặc dù lượng mưa ở Hàn Quốc nhiều gấp 1,3 lần so với mức trung bình của thế giới, nhưng mưa thường tập trung vào mùa hè. Hàn Quốc có 7 con đập được sử dụng với nhiều mục đích và 4 con đập ở các cửa sông để kiểm soát nước. Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng đã làm tăng lượng nước thải công nghiệp cũng như nước thải sinh hoạt. Nhiều dòng sông, vùng biển bị ô nhiễm, nguồn nước ngầm nhiều nơi cũng bị nhiễm kim loại nặng.

Tại Hàn Quốc có 4 con sông chính là sông Hàn, sông Nakdong, sông Geum và sông Yeongsan. Về dự án nâng cấp và khôi phục 4 con sông chính, quy mô công trình là đào kênh thoát lũ, xây dựng đập ngăn nước kết hợp phát điện, xây dựng đe sông ngăn lũ, xây dựng trung tâm điều hành và khôi phục sinh thái của 4 con sông. Mục tiêu nhiệm vụ là khôi phục lại lòng dẫn, ngăn lũ kết hợp phát điện, xây dựng trung tâm điều hành nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên nước và khôi phục sinh thái. Đánh giá: Đây là một dự án lớn của đất nước Hàn Quốc nhằm cải thiện tài nguyên nước lưu vực mà vẫn đảm bảo được hệ sinh thái. Trong dự án này ngoài việc khai thác tài nguyên nước, dự án chú trọng việc bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên như rừng, các hệ động thực vật và đặc biệt là các loại cá sinh sống trong sông. Bốn dòng sông lớn là sông Hàn, sông Nakdong, sông Geum và sông Yongsan (còn gọi là sông Sumjin), đây là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho hơn 40 triệu người dân Hàn Quốc.

Vùng đệm trên thượng nguồn của 4 con sông cũng được xây dựng. Vùng đệm ven sông cách mép nước từ 300 đến 1000 mét. Việc khai thác gỗ, xây dựng khu công nghiệp, khách sạn nhà hàng, chăn nuôi trong khu vực này bị hạn chế nghiêm ngặt. Hiện nay đã xây dựng được 1.130 km2 vùng đệm ven sông. Ngoài ra chính phủ còn mua 3.300 km2 để ngăn chặn ô nhiễm nước từ các điểm tự do (không qua hệ thống cống).

Về quản lý và vận hành các công trình kiểm soát tài nguyên nước trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc. Điển hình tại trụ sở chính của K-WATER tại Daejeon City. Quy mô công trình: Đây là trụ sở điều hành toàn bộ các công trình thủy lợi tại Hàn Quốc. Nhà điều hành được xây dựng tại Thành phố Daejeon. Mục tiêu nhiệm vụ là vận hành toàn bộ các công trình thủy lợi phục vụ cho việc cấp nước, thoát lũ và ngăn mặn, giữ ngọt. Công nghệ xây dựng là công trình được xây dựng chủ yếu dựa vào công nghệ điện tử hiện đại. Các số liệu khí tượng được cập nhật liên tục qua ra đa, các trạm đo mưa; số liệu này được xử lý và mô phỏng trong máy tính dòng chảy để đưa ra các quyết định vận hành. Việc vận hành cũng được các mày tính điều khiển từ trung tâm. Đánh giá là đây là quy trình vận hành khép kín và được công nghệ hiện đại mô phỏng và điều khiển.

Công nghệ này tại Việt Nam chưa được áp dụng rộng rãi do thiếu số liệu quan trắc, thiếu công cụ tính toán và vận hành. Tuy nhiên, để áp dụng cho một công trình lớn như đê biển thì cần phải có công nghệ này, mới có thể vận hành đảm bảo an toàn công trình và tận dụng tối đa tài nguyên nước phục vụ cho phát triển kinh tế.

Hiện nay có 1.476 trạm kiểm soát chất lượng nước hoạt động trên cả nước, trong đó 697 trạm cho các sông, 185 trạm cho các hồ, 474 trạm cho các vùng nông nghiệp và 120 trạm cho các khu vực khác. Có 34 hạng mục cần kiểm soát đối với nước sông, 35 hạng mục với nước hồ và đầm lầy. Đặc biệt có 49 trạm kiểm soát tự động. Chất lượng nước được kiểm soát bằng những hạng mục chung như DO, TOC, pH, VOC… Có 2.499 trạm kiểm soát nước ngầm dùng để đánh giá chất lượng nước qua 20 hạng mục và việc kiểm tra mẫu được làm 2 lần trong một năm.

Tham dự hội thảo lần này đã giúp cho chúng em có những thông tin rất hữu ích và thực tế về quản lý tài nguyên nước phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu đối với Hàn Quốc nói riêng, liên hệ với Việt Nam và thế giới nói chung để chúng em có cái nhìn khách quan và đưa ra những biện pháp từ những kiến thức đã được học trong nhà trường để trao đổi với các bạn sinh viên cùng chuyên ngành và với các chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực.

 
 Hình ảnh 04 sinh viên K54 tham dự hội thảo
 
 
 

Hình ảnh các sinh viên Khoa Môi Trường cùng các chuyên gia Hàn Quốc.

Để có thể giải quyết được những vấn đề như Hàn Quốc đã từng giải quyết về môi trường thì Việt Nam cần phải cố gắng rất nhiều về cả phát triển kinh tế và ý thức của người dân. Và đó là nhiệm vụ của những kỹ sư môi trường sau khi tốt nghiệp ra trường.

` Chúng em hy vọng có thể góp một chút kiến thức được tiếp thu từ nhà trường và công sức nhỏ bé của mình trong việc quản lý tài nguyên nước tại Việt Nam.

(Thực hiện: Nhóm SV K54 MT tham dự Hội thảo)