Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7 năm 2020

 
TẦM QUAN TRỌNG CỦA VĂN HÓA ĐỌC

Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách. Văn hoá đọc góp phần to lớn vào việc bồi dưỡng kiến thức, hình thành và phát triển nhân cách con người.

 

Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7 năm 2020

Để hưởng ứng ngày Sách Việt Nam, nâng cao văn hóa đọc cũng như đáp ứng nhu cầu về học tập, tìm hiểu thông tin của sinh viên, Thư viện trường Đại học Thủy lợi đã và đang duy trì nhiều hoạt động như tặng sách báo truyện, cung cấp các tài liệu, báo chí đọc tại chỗ và các tài liệu được mượn mang đi,… Những hoạt động này được các bạn sinh viên nói chung và sinh viên khoa Hóa và Môi trường nói riêng rất ủng hộ và nhiệt tình tham gia.

 

Thư viện trường Đại học Thủy lợi tặng sách, tạp chí hưởng ứng ngày Sách Việt Nam

 
 

Các sách, báo, tài liệu đáp ứng nhu cầu của các bạn sinh viên ĐHTL

Ngày nay, trong thời đại bùng nổ thông tin, văn hóa đọc lại càng trở nên quan trọng và vô cùng cần thiết, đặc biệt là đối với các bạn sinh viên - những thế hệ làm chủ trong tương lai. Những lợi ích, hiệu quả mà văn hóa đọc mang lại là vô cùng to lớn. Không chỉ là tư liệu cung cấp các kiến thức trọng tâm, đọc sách, báo, tài liệu ở nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ giúp các bạn cập nhật nhiều thông tin, làm giàu kiến thức bản thân, mở rộng vốn từ ngữ và kỹ năng viết, tăng cường các kỹ năng tư duy, phân tích,… Đối với các bạn yêu sách thì đọc sách còn là một cách giải trí đầy thú vị và đem lại nhiều cảm hứng, năng lượng.

Để nâng cao và lan tỏa văn hóa đọc trong sinh viên, trước hết, bản thân mỗi sinh viên cần ý thức được sự quan trọng và cần thiết của việc đọc sách, cảm thấy hứng thú khi đọc sách. Các bạn có thể chia sẻ những tài liệu bổ ích, những cuốn sách hay cho bạn ngay bên cạnh mình, các bạn khác trong lớp để tất cả chúng ta đều được đọc, được mở mang và hình thành thói quen đọc sách. Tổ chức tự học, tự nghiên cứu bài vở, tài liệu theo nhóm cũng là một cách góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong sinh viên.

Sách và văn hóa đọc mang những ý nghĩa rất lớn. Sách vẫn luôn là nguồn tư liệu quý giá nhất, bền vững nhất đối với các bạn sinh viên, với tất cả mọi người. Và để giá trị của sách không mất đi theo thời gian, mỗi chúng ta cần hình thành cũng như duy trì văn hóa đọc. “Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra với bạn”.

Một số hình ảnh tự học, tự đọc, tự nghiên cứu của các bạn sinh viên khoa Hóa và Môi trường:

 
 
 
 

(Ban truyền thông Khoa Hóa và Môi trường)