Nhóm nghiên cứu sinh viên Khoa Hóa và Môi trường đạt giải Ba chung kết cuộc thi "Khởi nghiệp Sáng tạo trẻ Bách Khoa năm 2019"

Cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách Khoa do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thường niên nhằm khuyến khích khả năng sáng tạo trong sinh viên, kỹ năng kết nối tư duy đa lĩnh vực hướng tới việc tạo ra các ý tưởng và sản phẩm thiết thực, các giải pháp quản lý đổi mới sáng tạo có tiềm năng khởi nghiệp.
ĐOÀN SV THỦY LỢI ĐẠT GIẢI 3 CHUNG KẾT NGHIÊN CỨU SÁNG TẠO TRẺ BÁCH KHOA 2019
-----
Cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách Khoa do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thường niên nhằm khuyến khích khả năng sáng tạo trong sinh viên, kỹ năng kết nối tư duy đa lĩnh vực hướng tới việc tạo ra các ý tưởng và sản phẩm thiết thực, các giải pháp quản lý đổi mới sáng tạo có tiềm năng khởi nghiệp. Đây là cuộc thi tầm cỡ, danh giá với tổng kinh phí lên đến hàng trăm triệu đồng – cùng với sự tham gia của nhiều chuyên gia có uy tín trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chủ đề của Cuộc thi năm nay là “Smart up for life” hướng tới các sản phẩm ứng dụng có khả năng khởi nghiệp phục vụ cho cuộc sống như giao thông, giáo dục, môi trường, biển đảo, công nghiệp, nông nghiệp, y tế. Năm nay cũng là năm đầu tiên cuộc thi mở rộng thành phần dự thi ra toàn bộ các trường đại học trên toàn quốc, với điều kiện cần có 02 thành viên nòng cốt đến từ các trường Đại học khối kỹ thuật.

Về nhóm Aplastic – tiền thân là nhóm 3 sinh viên ngành Kỹ thuật môi trường, bao gồm: Nguyễn Đăng Phúc (57MT1), Nguyễn Chí Cường (58MT1), Ninh Thị Thu (58MT2) với sự hướng dẫn của Ths. Phạm Thị Hồng. Biết đến sân chơi đầy thú vị này, cô Hồng đã kêu gọi, thuyết phục các thành viên trong nhóm tham gia với mục tiêu mong muốn các bạn được cọ xát với các sinh viên xuất sắc của các trường ĐH khác. Ngay từ lúc bắt đầu vòng 1, Aplastic khá thiệt thòi khi các đội khác đa phần đều dự thi với các kết quả NCKH có sẵn. Tuy nhiên, với tinh thần giao lưu, học hỏi, chiến đấu hết mình không quan tâm đến kết quả - Aplastic đã vượt qua hàng chục đội khác để trở thành top 18 đội tham gia vòng 2 với đề tài “Nghiên cứu chế tạo các vật liệu nhựa sinh học cao cấp làm từ tảo”.

 
Các thành viên nhóm nghiên cứu và cô giáo Ths. Phạm Thị Hồng hướng dẫn đề tài
Khoảng 2 tháng tiếp theo là thời gian tương đối khó khăn vì nhóm chỉ có 3 thành viên, các khóa huấn luyện của chương trình đề cập đến nhiều kiến thức về kinh tế - xã hội, phát triển quảng bá sản phẩm,… Vì vậy nhóm quyết định tuyển thêm thành viên để có thể phụ trách các mảng Marketing và lên kế hoạch phát triển sản phẩm tương lai. Nhóm đã có buổi thuyết trình giới thiệu dự án bên Đại học Kinh tế quốc dân, kết hợp với mạng lưới bạn bè các trường kinh tế sau nhiều năm tham gia hoạt động ngoại khóa của Đăng Phúc. Sau khi phỏng vấn, Aplastic đã tuyển thêm được 2 thành viên cuối cùng – bạn Ngọc Mai ( sv Đại học Ngoại thương) và Khánh Ly ( sv Đại học Khoa học xã hội và nhân văn). Nhóm vượt qua vòng 2 khá thuận lợi khi các sản phẩm của nhóm rất có triển vọng và phần phản biện được BGK đánh giá cao, khi này chỉ còn 08 đội mạnh nhất – được BTC cam kết tài trợ tối đa 20 triệu để phát triển dự án thành các sản phẩm khả thi để có thể sớm nhất đưa ra thị trường.

 

Nhóm nghiên cứu chụp ảnh cùng các thầy cô là ban lãnh đạo Nhà trường và ban chủ nhiệm Khoa
Giai đoạn tiếp theo, nhóm tiếp tục tiến hành cải tiến vật liệu, đầu tư các nguyên liệu, phương thức khác nhau để cải thiện tính chất, cụ thể hóa thành các sản phẩm. Vòng phản biện giữa 8 nhóm mạnh nhất diễn ra rất gay cấn, khi các đội được tập dượt để nhìn rõ điểm mạnh, yếu trước khi chính thức đưa ra sản phẩm của mình. Nhóm cũng đã giành chiến thắng trước màn đối đầu với dự án “Robot nhặt bóng tennis thông minh” – trở thành một trong 4 đội được nhận quà của BTC.

Sau 1 tháng chuẩn bị, nhóm đã định hình được 3 dòng sản phẩm với các tính chất khác nhau. Đó là: túi nilon tan trong nước, vật liệu nhựa có tính đàn hồi tốt và vật liệu có tính cơ lý, chống nước tốt. Phần trả lời thuyết phục trước BGK đã giúp Aplastic trở thành top6 đội mạnh nhất tiến vào vòng Chung kết diễn ra vào ngày 28/12. Đồng nghĩa với việc Aplastic là đội đầu tiên và duy nhất ngoài ĐH Bách Khoa có thể tiến tới vòng này từ trước đến nay.

Vậy là sau 6 tháng, từ không có gì trong tay, đội đã đến được vòng cuối cùng và chiến thắng nhiều đội mạnh khác từ các trường ĐH Bách Khoa, Xây dựng, GTVT,… Tuy nhiên khi này, phần dự thi của đội còn đại diện cho cả Trường ĐH Thủy Lợi, khoa Hóa & Môi trường nên tinh thần nhóm rất áp lực – nhất là khi chỉ có 1 tuần để chuẩn bị mẫu sản phẩm cuối cùng đưa ra với triển lãm. May mắn có sự động viên và giúp sức, thậm chí không ngại thức trắng cùng nhóm của Ths. Phạm Thị Hồng đã giúp nhóm có được sản phẩm rất đẹp mắt và được các chuyên gia, khán giả đánh giá rất cao.

 Nhóm nghiên cứu cùng thầy PGS TS Bùi Quốc Lập – Trường Khoa Hóa và Môi trường
 
Chung cuộc, nhóm đã xuất sắc đạt Top 3 Dự án xuất sắc nhất trị giá 5 triệu đồng cùng với Giải thưởng phụ cuộc bình chọn Video xuất sắc nhất. Đây là niềm vinh dự của nhóm cũng như của Khoa Hóa & Môi trường, trường ĐH Thủy Lợi. Đồng thời, khẳng định rằng sinh viên của ĐH Thủy Lợi có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng ở các sân chơi lớn và tầm cỡ.

 Các thành viên nhóm nghiên cứu trong lễ trao giải cuộc thi
 
Thông qua cuộc thi, nhóm rất mong nhà trường, các thầy cô tiếp tục nhiệt tình hướng dẫn, tạo điều kiện cho các khóa sau phát triển mạnh hơn nữa. Để không những có thể đạt thành tích tốt hơn ở cuộc thi này, mà còn vươn ra nhiều cuộc thi khác trên toàn quốc !
 
Smartup for life !
(Thực hiện: SV Đăng Phúc & Ban truyền thông Khoa H&MT)