CỰU SINH VIÊN KỸ THUẬT MÔI TRƯỜNG THÀNH CÔNG TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH

CỰU SINH VIÊN KỸ THUẬT MÔI TRƯỜNG THÀNH CÔNG TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH

Đào Quốc Chiến là sinh viên khóa 51 ngành Kỹ thuật Môi trường, cũng là chủ của dự án ứng dụng IoT vào sản xuất dưa lưới – dự án đầu tiên tại tỉnh Hà Tĩnh.

Sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Môi trường, trường Đại học Thủy Lợi, anh Chiến đã đi thực tập và làm việc tại nhiều công ty, dự án về môi trường nhưng cốt lõi của vấn đề là việc xả thải mất kiểm soát trong sản xuất gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống con người. Đặc biệt, việc tồn đọng thuốc BVTV trong các sản phẩm nông nghiệp đã làm giảm giá trị nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế. Nhận thấy nhiều lợi thế về của ngành nông nghiệp đang bị bỏ hoang tại quê nhà, anh Chiến quyết định trở về quê, phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao, làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi bề sâu lẫn chiều rộng theo hướng văn minh hiện đại, tạo tiền đề cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

 

Anh Đào Quốc Chiến làm việc về môi trường tại các khu công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh

Vốn có hiểu biết với kiến thức cơ sở về đất, nước, không khí được học tại ngành Kỹ thuật Môi trường, trường ĐHTL cùng với sự tập huấn, điều phối kỹ thuật của văn phòng Nông thôn mới huyện Cẩm Xuyên, anh Đào Quốc Chiến ở xã Nam Phúc Thăng – huyện Cẩm Xuyên – tỉnh Hà Tĩnh đã cùng với nhóm bạn mạnh dạn đầu tư nhà lưới với diện tích 8.000 m2 có tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng, được triển khai từ tháng 12/2019 đến nay. Với quy mô sản xuất hiện có (2.0000 m2 nhà lưới), sản lượng dưa lưới ước đạt 6 tấn/vụ; doanh thu dự kiến 300 triệu đồng/vụ và lợi nhuận đạt 150 triệu đồng/vụ. Mỗi năm trang trại sản xuất 3 vụ/năm.

 
 
Mô hình sản xuất dưa lướt công nghệ cao của anh Đào Quốc Chiến

Theo anh Chiến, điểm mới của dự án là việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ IoT vào sản xuất dưa lưới. IoT là mạng lưới thiết bị kết nối Internet. Nhờ các cảm biến mà hệ thống ứng dụng loT tự phân tích, đưa ra quyết định theo những lập trình được cài đặt. Qua đó, giúp người sử dụng quản lý và vận hành hệ thống theo mong muốn thông qua các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính có kết nối Internet.

 

Điểm nhấn của ứng dụng loT là thông qua cảm biến sẽ thu thập các chỉ số của môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, độ pH...) một cách liên tục và gửi dữ liệu đó về các bộ vi xử lý để vận hành hệ thống tưới, làm mát, chiếu sáng đảm bảo phù hợp cho cây trồng. Việc ứng dụng công nghệ này đã giúp cây phát triển tốt, sản phẩm có hình thức đẹp, với độ ngọt đảm bảo, các chỉ số đều an toàn ở mức cho phép. Trong tương lai, anh Chiến dự kiến nhân rộng quy mô sản xuất từ 4-8000 m2.

Quá trình trồng không sử dụng thuốc BVTV và thuốc kích thích, thay thế vào đó là các chế phẩm sinh học được điều khiển tưới tự động theo nhu cầu của đất và cây trồng dưới sự phân tích của hệ thống IoT.

 

Đây cũng là điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp tương lai. Anh Chiến cho biết, thành công của anh Chiến ngày nay có được là sự cố gắng trong suốt những năm tháng học tại trường Đại học Thủy Lợi. Nhờ những câu chuyện được nghe trên lớp từ các thầy cô học tập tại nước ngoài kể, anh Chiến đã xây dựng những ý tưởng khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Anh Chiến chính là điểm sáng cho sinh viên tiên phong khởi nghiệp, luôn sáng tạo và đổi mới, tận dụng tối đa lợi thế có sẵn để vươn mình trở thành những tấm gương cho các em sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường hiện nay.